-

GIỚI THIỆU CHUNG


Viện Địa chất và Địa vật lý biển được hình thành từ đơn vị tiền thân là Trung tâm Vật lý địa cầu ứng dụng, được thành lập theo quyết định số 112/VKH-QĐ ngày 24 tháng 2 năm 1989 của Viện  trưởng Viện Khoa học Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Năm 1993, Trung tâm Vật lý địa cầu ứng dụng bổ sung lực lượng cán bộ nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Địa chất biển và trở thành Phân viện Hải dương học tại Hà Nội trực thuộc Viện Hải dương học  theo quyết định số 53/KHCNQG-QĐ ngày 22/6/1993 của Giám đốc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia.

Năm 2005, Phân viện Hải dương học tại Hà Nội tách và đổi tên thành Viện Địa chất và Địa vật lý biển theo Quyết định số 747/QĐ-KHCNVN ngày 02/6/2005 của Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Năm 2005, Phân viện Hải dương học tại Hà Nội đổi tên thành Viện Địa chất và Địa vật lý biển theo Quyết định số 747/QĐ-KHCNVN ngày 02/6/2005 của Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Nghị định số 62/2008/NĐ-CP ngày 12/5/2008 đã công nhận Viện Địa chất và Địa vật lý biển thành Viện nghiên cứu quốc gia trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Quyết định 1107/QĐ-VKHCNVN ngày 20/6/2008 của Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam về việc thành lập Viện Địa chất và Địa vật lý biển với chức năng: Nghiên cứu cơ bản, điều tra cơ bản, phát triển công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực địa chất, địa vật lý biển, vật lý hải dương và các lĩnh vực khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Những thành tựu khoa học nổi bật đã đạt được trong các lĩnh vực nghiên cứu của Viện Địa chất và Địa vật lý biển đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc phát triển và xây dựng đất nước. Viện đã hoàn thành nhiều đề tài và dự án khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ trong các lĩnh vực địa chất, địa vật lý, vật lý biển, tài nguyên khoáng sản, tai biến tự nhiên, bảo vệ môi trường biển và  quốc phòng an ninh. Mỗi cán bộ viên chức  của Viện đã làm việc chăm chỉ,  nỗ lực không mệt mỏi qua các thời kỳ, các thành quả lao động tạo ra đã góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển khoa hoc, kinh tế,  bảo vệ an ninh quốc phòng và công tác tuyên truyền khu vực biển đảo của đất nước, đặc biệt là khu vực Biển Đông, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Từ một tập thể nghiên cứu địa chất và địa vật lý biển được xây dựng từ đầu với cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều nhiều thiếu thốn, Viện Địa chất và Địa vật lý Biển đã có những cố gắng phi thường, vươn lên mạnh mẽ, tận dụng mọi cơ hội để không ngừng phát triển. Đến ngày hôm nay, Viện đã có một cơ sở vật chất  khang trang, với các trang thiết bị khảo sát và nghiên cứu biển ngày càng đồng bộ và hiện đại, đặc biệt Viện đã có các thế hệ lãnh đạo tâm huyết, đội ngũ cán bộ nghiên cứu và khảo sát chuyên nghiệp, có kỹ năng và trình độ cao đạt trình độ khu vực và quốc tế. Các cán bộ của Viện đã tổ chức thành công nhiều chương trình hợp tác và  các chuyến khảo sát địa chất, địa vật lý và môi trường biển ngang tầm quốc tế. Viện sẽ liên tục phát triển, hợp tác  cùng với các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành trong nước và quốc tế, hội nhập nghiên cứu khoa học với các  nước trong khu vực và trên thế giới.

      Hiện tại, Viện có 74 lao động, trong đó biên chế 60 người (15 tiến sĩ, 22 thạc sĩ, 27 đại học, 02 trung cấp và 08 khác).

1. Cơ cấu tổ chức của Viện:        
Các phòng chuyên môn: 11 phòng và 01 trung tâm

- Phòng Địa mạo biển và Cổ địa lý; 
- Phòng Địa hoá khoáng sản; 
- Phòng Địa môi trường; 
- Phòng Viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS); 
- Phòng Thạch học; 
- Phòng Địa chấn; 
- Phòng Địa từ và Địa điện; 
- Phòng Trọng lực biển;
- Phòng Cấu trúc sâu và Địa động lực; 
 - Phòng Hải dương học và Vật lý khí quyển

-Phòng Thiết bị khảo sát và quan trắc (bao gồm cả 02 đài trạm: Trạm Vật lý khí quyển Tam Đảo và Trạm Trường Sa);

- Trung tâm Dữ liệu khoa học và công nghệ biển.

Đơn vị quản lý nghiệp vụ: Phòng Quản lý tổng hợp

 

2. Cơ sở vật chất và các thiết bị nghiên cứu

2.1. Các thiết bị nghiên cứu

Được sự quan tâm của Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHCNVN, Viện Địa chất và Địa vật lý biển đã có được một hệ thống máy móc khảo sát thực địa trên biển, trang thiết bị khá hiện đại, đồng bộ. Cơ sở vật chất của Viện Địa chất Địa vật lý biển cũng ngày càng bổ sung, hoàn thiện để có thể thực hiện được các nhiệm vụ nghiên cứu có chất lượng cao và phức tạp. Một số máy móc thiết bị chính sử dụng đo đạc ngoài thực địa có thể kể đến như sau:

- Máy đo rada xuyên đất hiệu SIR-3000 có khả năng khảo sát các cấu tạo địa chất sâu đến 30-40 m trên đất liền và vùng bờ ven biển.

- Hai máy đo địa chấn nông phân giải cao (do Nga, Pháp chế tạo) có khả năng khảo sát các cấu tạo địa chất đáy biển với độ xuyên sâu từ 30 m đến 200 m bên dưới bề mặt đáy biển. Các thiết bị này dùng cho công tác khảo sát địa chất thềm lục địa rất hiệu quả.

- Hệ thống máy đo sâu hồi âm bao gồm máy đo sâu thông thường JMC và máy đo sâu có thể nghiên cứu được tầng trầm tích nông (sediment echosounder). Các loại máy móc này cho phép tiến hành khảo sát xác định độ sâu của đáy biển.

- Thiết bị siêu âm quét sườn (side scan sonnar) (do Nga, Pháp chế tạo) là loại thiết bị khảo sát các đặc trưng bề mặt địa hình đáy biển và xác định loại vật liệu trên bề mặt đáy biển. Ngoài ra thiết bị này cũng có thể dùng để xác định các vật thể, các tàu thuyền đắm dưới đáy biển.

- Hệ thống định vị dùng trong khảo sát biển (GPS, DGPS) có khả năng xác định vị trí trên biển với sai số khoảng 2-3m.

- Máy đo từ biển dùng để xác định các trường từ trên biển.

- Hệ máy đo đạc môi trường biển bao gồm: LISST25, OBS3A, SHUTTLE dùng để xác định độ đục, kích thước các vật liệu lơ lửng trong môi trường nước, nhiệt độ, độ muối v.v...

- Hai loại ống phóng trọng lực, một do Mỹ sản xuất, một do Đan Mạch sản xuất với kích thước khác nhau dùng trong công tác lấy mẫu địa chất- trầm tích đáy biển.

- Cuốc đại dương là một loại thiết bị lấy mẫu trầm tích bề mặt đáy biển. Đặc biệt, Viện Địa chất và Địa vật lý biển được CHLB Đức trang bị cho loại thiết bị lấy mẫu hộp lớn (giant box corer) có thể lấy mẫu ở độ sâu vài nghìn mét tại đáy biển.

Hệ thống các máy móc trong phòng thí nghiệm:

- Máy cực phổ (EG&GPARC) dùng để xác định các nguyên tố vết trong nước và trầm tích.

- Máy cất nước dùng để sản xuất nước cất dùng trong các phân tích thí nghiệm trong phòng phân tích.

- Hệ thống rây, pipet dùng để phân tích các kích thước hạt trong mẫu trầm tích và mẫu đất.

- Lò nung, tủ sấy, cân phân tích, cân kỹ thuật v.v... dùng trong công tác xử lý mẫu trong phòng thí nghiệm.

- Kính hiển vi soi nổi, kính hiển vi phân cực do CHLB Đức sản xuất dùng trong việc xác định các khoáng vật, thành phần vật liệu trong các mẫu địa chất.

- Máy phân tích địa hóa khí được Viện Hải dương học Thái Bình Dương (LB Nga) trang bị.

 

2.2. Các trạm nghiên cứu:

Viện đã được Viện Hàn lâm KHCNVN đầu tư xây dựng và trang bị các thiết bị, máy móc cho một số trạm nghiên cứu, quan trắc về địa vật lý, vật lý khí quyển, vật lý hải dương:

- Trạm Vật lý khí quyển tại Tam Đảo;

- Trạm Nghiên cứu Địa vật lý tại đảo Trường Sa lớn;

 

3. Các hoạt động thường xuyên của Viện

- Nghiên cứu môi trường địa chất và các loại tai biến tự nhiên góp phần bảo vệ môi trường và giảm nhẹ thiên tai;

- Nghiên cứu địa động lực và cấu trúc sâu của vỏ trái đất phục vụ tìm kiếm khoáng sản và xây dựng các công trình biển;

- Nghiên cứu các trường địa vật lý phục vụ an ninh quốc phòng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, đảo;

- Nghiên cứu vật lý khí quyển và vật lý hải dương phục vụ xây dựng công trình, bảo vệ môi trường, dự báo và phòng chống giảm nhẹ thiên tai;

- Nghiên cứu tổng hợp các nguồn tài nguyên và năng lượng biển cung cấp cơ sở khoa học cho việc lập quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế biển;

- Điều tra cơ bản về điều kiện tự nhiên, khoáng sản vùng biển Việt Nam và vùng kế cận;

- Ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS để quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển;

- Ứng dụng công nghệ cao vào thăm dò, khai thác, xây dựng và bảo vệ các công trình biển và đảo;

- Thu thập, cập nhật các nghiên cứu mới nhất về Biển Đông phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền và bảo vệ chủ quyền biển đảo;

- Xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ biển phục vụ nghiên cứu, quy hoạch và phát triển kinh tế biển;

- Triển khai và chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ mới về biển vào sản xuất, kinh doanh; liên doanh, liên kết và hợp tác nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ biển với các tổ chức khoa học trong và ngoài nước;

- Tham gia thẩm định trình độ khoa học và công nghệ, luận chứng kinh tế, kỹ thuật các công trình biển quan trọng theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

- Dịch vụ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực địa chất và địa vật lý biển và các lĩnh vực khác có liên quan;

- Đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ cao trong lĩnh vực địa chất và địa vật lý biển và các lĩnh vực khác có liên quan;

- Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực địa chất và Địa vật lý biển và các lĩnh vực khác có liên quan;

 

4. Những thành tựu nổi bật

4.1. Nghiên cứu khoa học phục vụ an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia

- Đề tài cấp nhà nước: “Địa chất, địa động lực và tiềm năng khoáng sản vùng biển Việt Nam” (1991-1995) KT.03.02 (chủ nhiệm: GS.TS. Bùi Công Quế).

- Đề tài cấp nhà nước: “Các đặc trưng địa vật lý và vật lý khí quyển vùng quần đảo Trường Sa phục vụ thăm dò khoáng sản, xây dựng công trình, thông  tin liên lạc và dự báo thiên tai” (1993-1997) thuộc Chương trình Trường Sa (chủ nhiệm: GS.TS. Bùi Công Quế).

- Đề tài cấp nhà nước: “Các đặc trưng địa vật lý và vật lý khí quyển vùng quần đảo Trường Sa” (1998-2002) thuộc Chương trình phát triển kinh tế biển (chủ nhiệm: GS.TS. Bùi Công Quế).

- Dự án HTQT trong chương trình hợp tác kinh tế Australia- ASEAN: “Quản lý Tài nguyên môi trường dải ven biển Việt Nam” (1997-1999).

- Đề tài cấp nhà nước: “Cơ sở khoa học cho việc xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam” (1995-1998) (chủ nhiệm: GS.TS. Bùi Công Quế).

- Đề tài cấp nhà nước: “Hoàn thiện đề xuất xuất bản các bản đồ địa chất và địa vật lý trên vùng biển Việt Nam và kế cận” (1999-2000) (chủ nhiệm: GS.TS. Bùi Công Quế).

- Đề tài cấp nhà nước: “Xác định địa chất, địa mạo, xây dựng phương án mở luồng vào một số đảo san hô Trường Sa” (1998-2000) (chủ nhiệm: PGS.TS Phạm Huy Tiến).

- Đề tài cấp nhà nước: “Nghiên cứu địa chất đảo Đá Tây, đề xuất phương án mở luồng và giải pháp ổn định đảo” (2000-2002) (chủ nhiệm: PGS.TS Phạm Huy Tiến).

- Đề tài cấp nhà nước: “Xây dựng tập bản đồ những đặc trưng cơ bản về điều kiện tự nhiên và môi trường vùng biển Việt Nam và kế cận” (2001-2005) (chủ nhiệm: GS.TS. Bùi Công Quế).

- Năm 2000-2004 Viện chủ trì đề tài cấp Nhà nước KC.09.10 “Cơ sở khoa học và pháp lý cho việc xác định ranh giới và biên giới biển của Việt Nam ở vùng biển Tây Nam” làm cơ sở cho việc hoạch định ranh giới quốc gia trên biển ở khu vực biển chồng lấn giữa Việt Nam- Indonesia- Malaysia- Thái Lan và Campuchia.

- Năm 2005-2007 xây dựng tập bản đồ về các điều kiện tự nhiên và môi trường vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thực thi chủ quyền quốc gia và phát triển kinh tế biển.

- Năm 2007-2010 biên tập và xuất bản tập bản đồ các điều kiện tự nhiên và môi trường vùng biển Việt Nam và kế cận (KC.09.24).

- Năm 2010-2013, đề tài Ứng dụng tổ hợp các phương pháp địa chất và địa vật lý biển dự báo các đới phá hủy xung yếu gây nên xói lở đảo và sạt lở bờ kè khu vực Trường Sa (Chương trình Biển Đông Hải đảo).

- Năm 2010-2012, đề tài nghiên cứu các đới cấu trúc yếu phục vụ bảo vệ bờ kè khu vực Quần đảo Trường Sa, thuộc Chương trình cấp nhà nước về Biển Đông - Hải đảo

- Năm 2012-2014, đề tài Nghiên cứu cấu trúc địa chất và tiến hóa biển đông phục vụ xác lập đường chủ quyền lãnh hải Việt Nam và dự báo tài nguyên năng lượng và khoáng sản (KC.09.02/11-15).

- Đề tài: “Ứng dụng ảnh vệ tinh VNRedsat-1 (và tương đương) trong nghiên cứu đánh giá tổng hợp hiện trạng và biến động môi trường khu vực quần đảo Trường Sa phục vụ bảo vệ môi trường và quốc phòng an ninh” (2015-2017). Đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp Quốc gia về công nghệ vũ trụ.

- Đề tài: “Ứng dụng ảnh vệ tinh VNRedsat-1 (và tương đương) trong nghiên cứu đánh giá tổng hợp hiện trạng và biến động môi trường khu vực quần đảo Trường Sa phục vụ bảo vệ môi trường và quốc phòng an ninh” (2017-2020). Đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp Quốc gia về công nghệ vũ trụ. giai đoạn 2016 – 2020

- Đề tài:“Ứng dụng viễn thám và GIS nghiên cứu xu thế biến động điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên làm cơ sở khoa học định hướng phát triển kinh tế và đảm bảo quốc phòng-an ninh vùng biển, đảo Tây Nam Việt Nam”. Đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp Quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 – 2020

- Đề tài:“Ứng dụng đo cao vệ tinh nghiên cứu cấu trúc Địa chất và các đặc trưng Hải dương học khu vực quần đảo Hoàng Sa và lân cận”. Đề tài thuộc  Chương trình khoa học và công nghệ cấp Quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 – 2020.

- Đề tài: “Nghiên cứu các tiền đề và dấu hiệu tìm kiếm khoáng sản liên quan vỏ mangan và kết hạch sắt - mangan khu vực Tây Nam trũng sâu Biển Đông”. Đề tài thuộc chương trình CK09.33/16-20.

 

 4.2. Điều tra cơ bản phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế và quản lý biển

- Đề tài:“Nghiên cứu địa chất, địa động lực và tiềm năng khoáng sản của vùng biển Việt Nam” (Chương trình KT-03, 1995).

“Nghiên cứu các đặc trưng địa chất- địa vật lý phục vụ tìm kiếm thăm dò khoáng sản khu vực Bãi ngầm Tư Chính - Trường Sa” (Chương trình Biển Đông - Hải đảo, 1993-1997).

- Đề tài:“Điều tra các đặc trưng địa vật lý và vật lý khí quyển vùng quần đảo Trường Sa phục vụ thăm dò khoáng sản, xây dựng công trình, thông  tin liên lạc và dự báo thiên tai” (Chương trình Trường Sa, 1993-1997)

- Đề tài:“Các đặc trưng địa vật lý và vật lý khí quyển vùng quần đảo Trường Sa” (Chương trình Phát triển kinh tế biển, 1998-2002).

- Đề tài:“Nghiên cứu đặc điểm các hoạt động kiến tạo nghịch đảo và ảnh hưởng của chúng tới các cấu trúc dầu khí vùng trũng Sông Hồng- Vịnh Bắc Bộ” (2006-2007).

- Đề tài:“Điều tra đánh giá biến động tài nguyên- môi trường đới ven biển phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội dải ven biển Việt Nam” (1998-2000).

- Đề tài:“Ứng dụng phương pháp viễn thám và GIS đánh giá mức độ úng lụt khu vực Quảng Trị “(2001-2003).

- Đề tài:“Điều tra đánh giá các loại hình tai biến địa chất đới ven biển phục vụ phòng chống và giảm nhẹ thiên tai” (ĐTCB, 1998-2001).

- Đề tài:“Nghiên cứu các tai biến địa chất liên quan với quá trình địa động lực khu vực biển ven bờ Tây vịnh Bắc Bộ” (2002-2003).

- Đề tài:“Nghiên cứu động đất, núi lửa và sóng thần khu vực Biển Đông” (NCCB, 2004-2005).

- Đề tài:“Nghiên cứu, cảnh báo nguy cơ trượt lở ngầm trên thềm lục địa Nam Trung Bộ” (KC.09.11/11-15, 2012-2015).

 

4.3. Nghiên cứu tai biến tự nhiên, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai

- Ứng dụng phương pháp viễn thám và GIS đánh giá mức độ ngập lụt Quảng Trị (2001-2003);

- Điều tra đánh giá các loại hình tai biến địa chất đới ven biển phục vụ phòng chống và giảm nhẹ thiên tai (1998-2001);

- Nghiên cứu các tai biến địa chất liên quan tới quá trình địa động lực khu vực biển ven bờ Tây vịnh Bắc bộ (2002-2003);

- Nghiên cứu động đất, núi lửa và sóng thần khu vực Biển Đông (2004-2005);

- Điều tra đánh giá các loại hình tai biến tự nhiên khu vực quần đảo Trường Sa và đề xuất các giải pháp phòng chống làm giảm nhẹ những thiệt hại do chúng gây ra (Chương trình Biển Đông - Hải đảo, 2008-2010);

- Nghiên cứu, cảnh báo nguy cơ trượt lở ngầm trên thềm lục địa Nam Trung bộ (KC.09.11/11-15);

 

4.4. Nghiên cứu phục vụ qui hoạch, quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên biển

- Thành lập tập bản đồ địa chất - địa vật lý Biển Đông tỷ lệ 1/1.000.000 (Chương trình KHCN-06-04, 1998-2000).

- Xây dựng tập bản đồ các đặc trưng điều kiện tự nhiên vùng biển Việt Nam và kế cận với 60 bản đồ chuyên đề thuộc các lĩnh vực khí tượng, vật lý hải dương, địa chất, địa vật lý, sinh học biển và môi trường (KC.09.02, 2001-2004).

- Luận chứng khoa học cho việc xây dựng hệ thống đài trạm quan trắc tại quần đảo Trường Sa (Chương trình Biển Đông- Hải đảo, 2006-2007).

- Đề tài:“Nghiên cứu cấu trúc địa chất vùng biển nước sâu Nam Việt Nam làm cơ sở khoa học cho tìm kiếm khoáng sản liên quan” (KC.0918/06-10).

- Tổng hợp viết chuyên khảo các điều kiện tự nhiên hệ thống đảo ven bờ (2000-2001).

- Nghiên cứu cấu trúc sâu địa động lực Biển Đông (1997-2000).

- Nghiên cứu tổng hợp các điều kiện địa chất, địa động lực khu vực bắc Vịnh Bắc Bộ phục vụ công tác qui hoạch phát triển kinh tế vùng Đông Bắc Việt Nam (KC.09.09/11-15).

 

4.5. Nghiên cứu bảo vệ môi trường

- Đề tài:“Khảo cứu sự phân tỏa vật liệu phù sa sông Hồng ở vùng biển Việt Nam và ảnh hưởng của nó đến quá trình địa- động lực” (1998-1999).

- Đề tài:“Nghiên cứu bản chất vật chất, quy luật vận chuyển và tác động của dòng phù sa hệ thống sông Hồng đối với môi trường biển ven bờ Tây vịnh Bắc Bộ”, (2000-2001).

- Đề tài:Quản lý tài nguyên môi trường dải ven biển Việt Nam (ĐTCB, 1997-1999)

- Đề tài:“Đánh giá tác động môi trường dải ven biển Hải Phòng- Kim Sơn (Ninh Bình)“ (chương trình quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, 2003-2005)

- Đề tài:“Ứng dụng viễn thám và GIS trong quản lý tài nguyên môi trường dải ven biển” (2003-2005)

- Đề tài:“Nghiên cứu ứng dụng các phương pháp địa vật lý mới trong thăm dò nước ngầm và quan trắc động thái xâm nhập nước mặn vùng duyên hải và hải đảo (ứng dụng cho vùng Hải Phòng- Cát Bà, 2003-2005; Thái Bình 2006-2007).

- Đề tài: “Nghiên cứu cảnh báo tràn dầu khu vực ven biển và Hải đảo của Việt Nam”. Đề tài cấp nhà nước thuộc Chương trình phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. 2019-2021.

- Đề tài:” Thành lập trung tâm dự liệu biển phục vụ trao đổi thông tintrong nước và quốc tế”. Đề tài độc lập  cấp nhà nước. 2019-2021

 

4.6. Những thành tựu hoạt động khoa học và công nghệ khác

a) Thành tích nghiên cứu Trường Sa

Từ ngày đầu thành lập Viện Địa chất và Địa vật lý biển là đơn vị tiên phong trong khảo sát nghiên cứu khoa học khu vực quần đảo Trường Sa trong suốt 30 năm qua. Viện đã hoàn thành 10 đề tài cấp nhà nước thuộc Chương trình Biển Đông- Hải đảo. Liên tục hàng năm, Viện có các chuyến khảo sát nghiên cứu khoa học biển về khu vực quần đảo Trường Sa. Tất cả các thông tin thu thập về địa chất, địa vật lý và vật lý khí quyển trong nhiều năm qua là tiền đề để xây dựng một số cầu cảng phát triển kinh tế xã hội và hoàn thành bộ Atlas bản đồ về điều kiện tự nhiên khu vực quần đảo Trường Sa vào năm 2007 góp phần khẳng định chủ quyền của nước ta với khu vực quần đảo này. Viện cũng đã xây dựng và duy trì trạm quan trắc thuộc quần đảo Trường Sa nhiều năm qua.

b) Thành tích nghiên cứu ranh giới ngoài thềm lục địa

Bắt đầu từ năm 1995 Viện bắt đầu thực hiện một số các đề tài cấp nhà nước về xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam trong Chương trình nghiên cứu biển KHCN-06: "Cơ sở khoa học cho việc xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam". Đề tài đã bước đầu thiết lập những cơ sở khoa học quan trọng trong việc đàm phán về phân định ranh giới trên biển với các nước tiếp giáp Biển Đông. Tiếp theo Viện đã chủ trì đề tài "Cơ sở khoa học, pháp lý cho việc xác định biên giới và ranh giới biển của Việt Nam ở vùng biển Tây Nam" thuộc Chương trình KC.09-10, phối hợp với Ủy ban Biên giới Quốc gia. Kết quả của đề tài đã góp phần quan trọng trong việc phân định ranh giới chồng lấn với Campuchia- Thái Lan- Indonesia trên biển. Những kết quả khoa học từ những đề tài về ranh giới thềm và các đề tài về địa chất địa vật lý Biển Đông trong nhiều năm đã góp phần rất lớn trong việc hoàn thành một nhiệm vụ đặc biệt: "Hoàn thành hồ sơ ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam" đệ trình Liên Hợp Quốc vào tháng 5 năm 2009. Theo Công ước Luật Biển năm 1982, ngoài vùng đặc quyền kinh tế kéo dài từ đường cơ sở ra 200 hải lý, các quốc gia có quyền mở rộng vùng thềm lục địa ra 350 hải lý tính từ đường cơ sở dựa trên các chứng cứ khoa học địa chất.

Viện Địa chất và Địa vật lý biển đã thực hiện dự án này trong giai đoạn 2007-2009. Toàn bộ hồ sơ chia ra làm 3 báo cáo xác định vùng thềm lục địa mở rộng của Việt Nam cho 3 vùng biển riêng biệt: Bắc, Trung và vùng biển phía Nam.

Dự án "Xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt nam” có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xác định biên giới trên biển và khẳng định chủ quyền trên biển. Kết quả nghiên cứu của dự án đã khẳng định trình độ, năng lực nghiên cứu khoa học của Viện trong việc đáp ứng các nhu cầu nhiệm vụ quan trọng của đất nước. Kết quả của dự án được dư luận trong và ngoài nước đánh giá rất cao, được lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước khen ngợi.

c) Hoàn thành Atlas về điều kiện tự nhiên Biển Đông

Lần đầu tiên Việt Nam có được một tập Atlas đồ sộ và hoàn chỉnh về điều kiện tự nhiên Biển Đông bao gồm 63 bản đồ ở các khía cạnh khác nhau từ địa vật lý cho đến hải dương học, khí tượng và sinh vật biển được xuất bản năm 2007. Tập bản đồ này là nền tảng cho nhiều các nghiên cứu biển thuộc các nhánh khoa học biển khác nhau cũng như có nhiều ứng dụng trong quy hoạch, phát triển kinh tế và an ninh trên biển, đồng thời cũng khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Sự ra đời của tập các bản đồ về điều kiện tự nhiên Biển Đông và vùng biển lân cận một lần nữa cho thấy những thành tựu nghiên cứu địa chất- địa vật lý biển cũng như các hướng liên quan của Viện Địa chất và Địa vật lý biển.

5.  Các chương trình hợp tác quốc tế

Viện Địa chất và Địa vật lý biển luôn coi hợp tác quốc tế là một công tác rất quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu biển.Viện rất chú trọng phát triển quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài.Từ khi thành lập đến nay các thế hệ lãnh đạo của Viện luôn tìm mọi cách để có được các hợp tác với nước ngoài có hiệu quả.Viện chủ động liên hệ với các đối tác tiềm năng, hoan nghênh các đề xuất hợp tác từ phía các nhà khoa học và tổ chức nghiên cứu nước ngoài, khuyến khích cán bộ trong Viện mở rộng quan hệ quốc tế.

Đặc thù của công tác nghiên cứu, điều tra về biển không những đòi hỏi phải có công nghệ cao, máy móc trang thiết bị, tàu bè hiện đại, mà còn cần phải có kỹ năng, kỹ thuật tổ chức khảo sát khoa học, bài bản, tối ưu trong mọi điều kiện. Chính vì lẽ đó, Viện Địa chất và Địa vật lý biển luôn ý thức được rằng hợp tác quốc tế là một bí quyết quan trọng, đảm bảo sự thành công trong công tác nghiên cứu biển của mình, đồng thời cũng giúp cho khoa học nghiên cứu biển của chúng ta bắt kịp và hòa nhập được với cộng đồng khoa học Thế giới và trong khu vực. Các công trình khoa học công nghệ của Viện cần ngày một nâng cao về chất lượng và tiến tới đạt tiêu chuẩn quốc tế. Với định hướng này, Viện đã đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, thông qua các trao đổi học thuật, hội thảo, đào tạo cán bộ, và đặc biệt cùng xây dựng và thực hiện các đề án khoa học chung. Viện đã tiến hành ký kết một loạt các văn bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với các đối tác từ các nước như: Nga, Trung Quốc, Đức, Mỹ, Pháp, Nhật… trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về biển.

Viện có mối quan hệ hợp tác hiệu quả với nhiều cơ sở nghiên cứu của các nước như: Nga, Đức, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Trong giai đoạn gần đây Viện đã chủ động tìm kiếm các đối tác truyền thống như Đức, Nga, Trung Quốc và đã phát triển các mối quan hệ hợp tác mới với các nước như Mỹ, Nhật, Pháp là những nước có trình độ nghiên cứu khoa học hàng đầu Thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về biển. Viện đã triển khai một số dự án hợp tác quốc tế với:

Viện đã tiến hành ký hợp tác với các nhà khoa học Mỹ trong nghiên cứu tiến hóa châu thổ ngầm đồng bằng sông Cửu Long. Nhiệm vụ Nghị định thư giữa Viện ĐC&ĐVL Biển và Đại học Washington (2013-2014) đang được triển khai.

Cũng trong giai đoạn này Ban Lãnh đạo Viện đã xác định nguồn nhân lực là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc phát triển và hội nhập quốc tế của đơn vị. Viện đã thực hiện một số giải pháp: Rà soát lại các hướng chuyên môn của các phòng chuyên môn, điều chỉnh, sắp xếp lại cho phù hợp với tình hình mới. Xây dựng các định hướng phát triển của Viện theo đề cương do các cán bộ lãnh đạo các phòng chuyên môn, các chuyên gia chủ chốt xây dựng. Ngoài ra Viện cũng đã kiện toàn bộ máy lãnh đạo và tổ chức các đơn vị trực thuộc; động viên các cán bộ chủ chốt, các nhà nghiên cứu khoa học xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp và tự chủ động tìm kiếm các nguồn kinh phí hoạt động. Viện cũng đã thúc đẩy và tạo điều kiện tối đa để các cán bộ được đi học tập nghiên cứu nâng cao trình độ ở nước ngoài, hỗ trợ cho các đơn vị triển khai hoạt động hợp tác trong và ngoài nước; xây dựng các quy chế, quy định về quản lý, các tiêu chí đánh giá kết quả lao động, phát triển cơ sở vật chất của Viện cả về trang thiết bị nghiên cứu khoa học, nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động chung của Viện.

Trong ba mươi năm xây dựng và phát triển, Viện Địa chất và Địa vật lý biển đã thực hiện tốt công tác đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ, bằng nhiều con đường khác nhau (kết hợp với các cơ sở đào tạo trong nước và đào tạo ở nước ngoài). Viện đã đào tạo được 18 tiến sỹ và 23 thạc sỹ trong đó có 7 tiến sỹ và 6 thạc sỹ ở nước ngoài. Trình độ chuyên môn của cán bộ không ngừng được nâng cao thông qua hợp tác quốc tế.

Viện đã triển khai một số chương trình dự án hợp tác quốc tế:

- Chương trình hợp tác quốc tế nghiên cứu biển Việt- Đức

Khởi đầu từ những năm 1996-1999, Viện Địa chất và Địa vật lý biển đã hợp tác với các nhà khoa học từ Viện Sinh hóa và Hóa học biển của Trường đại học Hamburg và Viện Địa chất của Trường đại học Kiel, CHLB Đức thực hiện dự án nghiên cứu ảnh hưởng gió mùa và biến đổi khí hậu đến quá trình trầm tích trên Biển Đông. Các nhà khoa học đã thực hiện 3 chuyến khảo sát vào các năm 1996 /1997, 1998 và 1999 trên vùng biển Việt Nam với việc sử dụng tàu khảo sát khoa học của Đức là tàu Sonne.

Hợp tác nghiên cứu biển với CHLB Đức kéo dài từ cuối năm 1996 đến 2009 với sự khởi đầu của các đề tài hợp tác:

(1) Địa chấn địa tầng, dao động mực nước biển cuối Pleistocen- Holocen và dấu hiệu biển tiến sau Pleistocen ở thềm Sunda;

(2) Tác động của El – Nino và gió mùa đến sự thành tạo trầm tích ở vùng nước trồi trên thềm lục địa Việt Nam;

(3) Dao động mực nước biển cuối Pleistocen- Holocen và địa tầng phân giải cao do biển tiến sau Pleistocen trên thềm lục địa Việt Nam.

Ba đề tài hợp tác này Viện đã thực hiện bằng tàu nghiên cứu biển Sonne của Đức với 3 chuyến khảo sát (SO-115, 13/12/1996- 25/01/1997; SO-132, 17/6- 09/7/1998; SO-140, 04/4- 04/5/1999)

(4) Dao động mực nước biển và địa tầng biển tiến phân giải cao giai đoạn Pleistocen muộn- Holocen trên thềm lục địa Việt Nam;

(5) Các dòng vật chất và sự phân bố của lớp núi lửa Pinatubo trong khu vực Biển Đông.

Trong hai đề án hợp tác này Viện đã phối hợp với các bộ ngành liên quan tổ chức thành công chuyến khảo sát quốc tế trên Biển Đông bằng tàu nghiên cứu biển của Đức từ ngày 04/04/1999- 04/05/1999 với sự tham gia của nhiều nhà khoa học đến từ nhiều nước trên Thế giới và khu vực.

Giai đoạn 2002-2009: Sự hợp tác thành công với Đức đã mở ra một chương trình hợp tác nghiên cứu biển quốc gia giữa hai nước Việt Nam và CHLB Đức "Tương tác đất liền- đại dương trong vùng biển ven bờ Nam Việt Nam" nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác theo Nghị định thư ký kết giữa hai nước, với sự tham gia của hầu hết các cơ quan nghiên cứu biển hàng đầu trong nước.

Sau giai đoạn đó Viện Địa chất và Địa vật lý biển tiếp tục thực hiện thành công chương trình hợp tác, với nhiệm vụ Nghị định thư: “Tiến hóa đới ven biển, dao động mực nước biển và quá trình tích tụ vật liệu lục nguyên (phù sa) trong Holocen ở thềm lục địa vùng biển giữa châu thổ Mekong và Nha Trang, Đông Nam Việt Nam”.

Đề tài này cùng với các đề tài khác trong chương trình đã đóng góp được một số lượng khổng lồ các số liệu đo đạc thu thập trên biển trong suốt 7 năm liền với nhiều chuyến kháo sát liên kết đới bờ và trên biển. Trong đó có 10 chuyến khảo sát liên kết bằng tàu Nghiên Cứu Biển Việt Nam từ VG1 đến VG10 và hai chuyến khảo sát liên kết bằng tàu nghiên cứu biển SONNE của Đức SO187-2, SO187-3. Trong đó Viện trực tiếp đảm trách 3 chuyến khảo sát là VG5, VG9 bằng tàu Nghiên Cứu Biển của Việt Nam và SO187-3 bằng tàu nghiên cứu biển SONNE của CHLB Đức. Như vậy, Viện đã phối hợp cùng các bộ ngành tổ chức thành công cho tàu nghiên cứu biển SONNE hai lần vào vùng biển Nam Việt Nam để tiến hành 4 chuyến khảo sát kể từ năm 1999. Bên cạnh các kết quả khoa học, kinh tế- xã hội và đào tạo cán bộ trong chương trình này, sự tiên phong cũng như tham gia tích cực của Viện vào chương trình hợp tác nghiên cứu biển Việt-Đức cũng mang ý nghĩa chính trị to lớn trong việc giao lưu khoa học trong nghiên cứu Biển Đông không chỉ riêng với CHLB Đức mà với nhiều các quốc gia khác trong khu vực và trên Thế giới, góp phần giữ cho Biển Đông là kênh mở trong giao lưu quốc tế dưới góc độ khoa học.

            Hợp tác Việt Nam- LB Nga là một trong các hợp tác chiến lược truyền thống giữa hai nước. Trong lĩnh vực nghiên cứu biển, Viện Địa chất và Địa vật lý biển đã có sự hợp tác chặt chẽ với Viện Hải dương học Thái Bình Dương thuộc Phân viện Viễn Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga (POI FEB RAS). Một loạt các đề tài hợp tác nghiên cứu phối hợp giữa hai bên đã được thực hiện liên tục trong 10 năm trở lại đây mang lại cho Viện Địa chất và Địa vật lý biển một loạt các công nghệ trong nghiên cứu địa chất và địa vật lý biển.

Sự liên kết chặt chẽ này là tiền đề mở ra phòng thí nghiệm liên kết giữa hai bên đặt tại Viện Địa chất và Địa vật lý biển và Viện Hải dương học Thái Bình Dương của Nga.Sự hợp tác này cũng là tiền đề mở ra hợp tác nghiên cứu quy mô lớn giữa hai nước về chương trình tìm kiếm nguồn năng lượng mới gashydrate trên Biển Đông đang được triển khai hiện nay.

            Hợp tác Viện địa chất và Địa vật lý biển – Trung Quốc là một trong những hợp tác truyền thống, viện đã cử nhiều các bộ đi đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ tại các trường đại học Vũ Hán, đại học Bắc Kinh v.v. Viện cũng đã có nhiều hợp tác khoa học với Trung Quốc thông qua các đề tài, dự án dưới dạng nghị định thư, hợp tác quốc tế v.v. Đây là những tiền đề quan trọng trong tương lai mở ra hợp tác nghiên cứu quy mô lớn giữa hai nước trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

      Các chương trình hợp tác nổi bật gồm có:

- Hợp tác với Cục khảo sát Địa chất Trung Quốc, Đại học Tổng hợpĐồng tế Thượng Hải. Viện Địa chất biển Thanh Đảo, Viện Hải Dương học Trung Quốc.

- Hợp tác nghiên cứu giai đoạn 1: “Nghiên cứu đối sánh trầm tích thời kỳ Holoxen khu vực châu thổ Sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang”, 2017-2019

- Hợp tác nghiên cứu giai đoạn 2: “Nghiên cứu hợp tác trong lĩnh vực môi trường địa chất và tai biến địa chất biển khu vực châu thổ Sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang”, 2019-2021

Các lĩnh vực hợp tác trong ứng dụng và triển khai khoa học công nghệ tiên tiến thuộc dự án “Hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực tai biến địa chất khu vực Châu thổ Sông Hồng và Sông Trường Giang” được lựa chọn tập trung vào ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ hiện đại trong nghiên cứu giải quyết các vấn đề trọng điểm về tai biến địa chất khu vực Châu thổ Sông Hồng và Sông Trường Giang, tiếp tục củng cố và xây dựng môi trường hợp tác khoa học ổn định và phát triển giữa các nhà khoa học của Việt Nam và Trung Quốc. Trên cơ sở các kết quả khoa học đã đạt được của giai đoạn trước, trong giai đoạn hợp tác này các nhà khoa học hai nước đã đồng ý tập trung vào ba vấn đề tai biến địa chất trọng điểm đang xảy ra tại khu vực ven biển Châu thổ Sông hồng và Sông Trường giang, đó là: (1) Xâm nhập mặn; (2) Xói lở bờ biển; (3) Sụt lún bề mặt

- Hợp tác với Đại học Tổng hợp Vũ hán trong nghiên cứu và giám sát các dạng tai biến địa chất sử dụng công nghệ 3S. Giai đoạn 2004-2006.

- Hợp tác với Đại học Công nghệ Côn Minh trong đào tạo cán bộ Địa vật lý có trình độ cao.  Giai đoạn 2010-2014.

- Hợp tác với Trung tâm Sông ngòi Quốc tế . Địa học Tổng hợp Vân Nam trong nghiên cứu môi trường địa chất và tai biến địa chất lưu vực Sông Hồng.  Giai đoạn 2008 đến nay.

- Hợp tác với Trung tâm Karst quốc tế tại Viện Nghiên cứu Hang động Quế Lâm.   Giai đoạn 2004 đến nay.

- Hợp tác với Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Địa chất biển, Đại học Đồng Tế trong nghiên cứu môi trường trầm tích.  Giai đoạn 2004 đến nay.

- Hợp tác với Viện nghiên cứu Khí tượng Thủy văn và Môi trường Trung Quốc. Giai đoạn 2006 đến nay.

- Hợp tác với Vện nghiên cứu địa chất biển Thanh Đảo trong nghiên cứu các vấn đề địa chất biển ít nhạy cảm .Giai đoạn 2016 đến nay.

- Hợp tác với Đại học Hải Dương học Trung Quốc trong nghiên cứu động lực và môi trường của sông ven biển. Giai đoạn 2018 đến nay.

- Hợp tác với Viện Hải dương học số 1 Trung Quốc trong nghiên cứu động lực biển và phát triển nhân lực trình độ cao. Giai đoạn 2017 đến nay.

- Hợp tác với Trung tâm Dữ liệu biển Trung Quốc trong lĩnh vực hợp tác về cơ sở dữ liệu giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. 2014 đến nay.

- Chương trình hợp tác nghiên cứu biển Việt Nam – Australia - ASEAN

Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học Việt- Australia: "Quản lý Tài nguyên Môi trường biển dải ven biển Việt Nam" giai đoạn 1997-1999 do Viện Địa chất và Địa vật lý biển chủ trì bắt đầu sau khi Việt Nam ra nhập khối ASEAN vào năm 1995. Đề tài hợp tác này nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác quốc tế quy mô lớn giữa Australia và các nước ASEAN có tên gọi "Chương trình hợp tác kinh tế ASEAN- Australia thành công nổi bật của dự án là sau 3 năm thực hiện là lần đầu tiên ở Việt Nam đã tham gia nghiên cứu trao đổi các thông tin về biển trên một diễn đàn đa phương Việt- Australia- ASEAN, đào tạo được một lớp chuyên gia trẻ về lĩnh vực khoa học công nghệ và quản lý tài nguyên môi trường biển và xây dựng được một cơ sở dữ liệu thông tin mới có giá trị về tài nguyên môi trường dải ven biển Việt Nam và Trung tâm Thông tin Tài nguyên và Môi trường Quốc gia đặt tại Viện Địa chất và Địa vật lý biển.

- Hợp tác Việt Nam - Malaysia

Vấn đề hợp tác khoa học trong lĩnh vực biển tồn tại nhiều các nhạy cảm trong vấn đề phân định ranh giới trên biển.Việc hợp tác trong lĩnh vực này vô cùng khó khăn không chỉ riêng đối với Việt Nam mà cả các quốc gia khác kề liền Biển Đông.Năm 2009 là hạn chót để các nước trên Thế giới đệ trình hồ sơ chứng minh ranh giới ngoài của thềm lục địa.Việt Nam phải thực hiện công việc này. Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn nặng nề mà Nhà nước và Bộ Ngoại giao đã giao cho Viện Địa chất và Địa vật vật lý biển thực hiện hoàn thành Hồ sơ kỹ thuật chứng minh Ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam nhằm khẳng định chủ quyền trên biển với Liên Hợp Quốc và các quốc gia trên Thế giới. Sự hợp tác với Malaysia trong nhiệm vụ này đã dẫn đến một thành công chung là một bộ hồ sơ chung về thềm lục địa phía nam gửi Liên Hợp Quốc trong năm 2009. Sự hợp tác này đã góp phần làm tăng sức mạnh trong việc khẳng định chủ quyền, duy trì tình hình ổn định và cân bằng trên Biển Đông.

- Chương trình hợp tác Việt Nam- Philippin

Chương trình hợp tác khảo sát nghiên cứu biển Việt Nam- Phillipin trên Biển Đông viết tắt là JOMSRE-SCS được thực hiện trong giai đoạn 1996-2007. Trong chương trình này, bốn chuyến khảo sát liên kết giữa các nhà khoa học của hai nước trên Biển Đông bao gồm cả vùng Quần đảo Trường Sa. Trong số này từ chuyến khảo sát thứ hai trở đi (vào các năm 2000, 2005 và 2007), Viện Địa chất và Địa vật lý biển giữ vai trò là đơn vị chủ trì với sự tham gia trực tiếp của Viện Hải dương học, Viện Tài nguyên và Môi trường biển cùng các bộ ngành khác như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ KHCN thực hiện triển khai các hoạt động khảo sát, đàm phán, tổ chức phối hợp các hoạt động khoa học trong khuôn khổ các đề tài. Chương trình hợp tác quốc tế nghiên cứu biển này cũng là một hình mẫu về sự hợp tác tăng cường giao lưu khoa học trong lĩnh vực biển trên Biển Đông, góp phần giữ vững sự ổn định và tăng cường hợp tác giữa các nước trong khu vực. Tháng 3 năm 2008 Viện Hàn lâm KHCNVN, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Phillipin đã tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình JOMSRE-SCS 1996-2007 và chính thức xuất bản kỷ yếu của hội nghị bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

6.1. Hội nghị, hội thảo khoa học

- Hội nghị Địa chất biển toàn quốc lần thứ nhất (2008):

Việt Nam có vùng biển rộng lớn với nhiều đặc điểm địa chất đa dạng và nguồn tài nguyên phong phú, nên từ rất lâu thu hút được sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu địa chất trong và ngoài nước. Đặc biệt từ sau khi thống nhất đất nước (1975) công tác điều tra nghiên cứu địa chất biển đã có những bước tiến lớn và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong nhiều thập kỷ vừa qua và định hướng cho những bước phát triển mới của Địa chất biển Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam giao cho Viện Địa chất và Địa vật lý biển tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc “Địa chất biển Việt Nam và phát triển bền vững” lần thứ nhất vào ngày 9 và 10/10/2008 tại Thành phố Hạ Long.

Tham gia Hội nghị khoa học có gần 150 cán bộ khoa học, cán bộ quản lý của nhiều Bộ, Ngành, Địa phương và hàng chục nhà địa chất đến từ Pháp, Đức, Nga, Hàn Quốc. Các nhà địa chất đã gửi đến Hội nghị 80 báo cáo khoa học, trong đó có 6 báo cáo của các nhà địa chất nước ngoài về Địa chất biển Việt Nam. Những báo cáo này được in thành tuyển tập dày hơn 700 trang do Nhà xuất bản Khoa học Tự nhiên và Công nghệ ấn hành. Những báo cáo khoa học tại Hội nghị bao quát mọi lĩnh vực của Địa chất biển và được chia thành 3 tiểu ban:Tiểu ban Địa chất và phát triển bền vững;Tiểu ban Tài nguyên và khoáng sản;Tiểu ban Địa chất môi trường và tai biến.

Ngoài các tham luận khoa học, Hội nghị dành thời gian cho thảo luận về những thành tựu của Địa chất biển Việt Nam và những yêu cầu của chiến lược biển Quốc gia đang đặt ra những nhiệm vụ hết sức nặng nề cho Địa chất biển Việt Nam. Hội nghị cũng nhất trí trong thời gian tới cần đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản về địa chất biển, tạo tiềm lực cho nghiên cứu ứng dụng trong Địa chất biển Việt Nam phục vụ phát triển bền vững.Hội nghị mong muốn các nhà địa chất nỗ lực hơn nữa trong nghiên cứu, điều tra địa chất biển để đạt tới những thành tựu cao hơn trong tiến trình hội nhập.Hội nghị cũng hy vọng Nhà nước sẽ đầu tư thích đáng cho nghiên cứu, điều tra địa chất biển để có cơ sở khoa học cho những hoạch định chiến lược phát triển kinh tế biển ở nước ta.

Tháng 10 năm 2013 Viện Địa chất và Địa vật lý biển đã tổ chức Hội nghị khoa học Địa chất biển toàn quốc lần thứ hai. Đây là hội nghị khoa được tổ chức 5 năm một lần nhằm tổng kết đánh giá những thành tựu họat động khoa học trong 5 năm và định ra những phương hướng hoạt động khoa học trong các năm tiếp theo. Hội nghị Địa chất biển toàn quốc lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội và Hạ Long từ ngày 10-12/10/2013. Viện Địa chất và Địa vật lý biển là cơ quan chủ trì đã phối hợp của 15 đơn vị thuộc các trường, viện, tập đoàn và các trung tâm nghiên cứu trong cả nước tổ chức thành công hội nghị. Hội nghị với sự tham gia của 195 đại biểu đến từ 37 cơ quan, đơn vị trên cả nước và 19 nhà khoa học đến từ 4 quốc gia Đức, Nga, Pháp và Hàn Quốc. Hội nghị đã xuất bản Tuyển tập các công trình với 91 bài viết gồm 1108 trang. Tổng số báo cáo trình bày tại Hội nghị: 25 bài thuyết trình và 21 bài trình bày poster. Ngoài việc tổng kết các thành tựu nghiên cứu địa chất biển trong 5 năm qua, Hội nghị đã đưa ra những kiến nghị và đề xuất định hướng nghiên cứu biển từ nay đến năm 2020.

 


THÔNG TIN - THƯ VIỆN

    Thư điện tử
    Thư Viện điện tử

ĐĂNG NHẬP

Tài khoản
Mật khẩu

THỐNG KÊ LƯỢT TRUY CẬP

     Số lượt truy cập: 1303909
     Số người đang truy cập: 4

BẢN ĐỒ CHỈ DẪN


LIÊN KẾT

Chương trình khoa học công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016-2020
QUẢNG CÁO
Máy nghiền mẫu dạng bi SpectroMill-Chemplex
Máy ép- nén mẫu SPECTROPRESS-XRF Briquetting Systems
Máy phân tích thành phần khoáng vật bằng tia X

VIỆN ĐỊA CHẤT VÀ ĐỊA VẬT LÝ BIỂN
----------------------------------------------------------------
Địa chỉ:   Nhà A27, Số 18 Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (+84)(24) 3791.0821      Fax:(+84)(24)3756.1647      Email: imggad@gmail.com      Website:http://imgg.vast.vn